Tháp Nhạn là hình ảnh đại diện của Tp.Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về di tích kiến trúc – nghệ thuật Tháp Nhạn Phú Yên.
Anh còn nợ em
Chim về núi Nhạn
Trời mờ mưa đêm… trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em… nụ hôn vội vàng
Nụ hôn vội vàng… nắng chói qua song…
Những ai từng mê đắm giai điệu của bài hát nổi tiếng Anh còn nợ em (nhạc: Anh Bằng, thơ: Phạm Thành Tài) đều thuộc lòng câu hát trên.
Tuy chưa ai khẳng định nhưng nhiều người cho rằng địa danh núi Nhạn trong bài hát chính là ở Tuy Hòa, Phú Yên, bởi cố nhà thơ Phạm Thành Tài quê ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, vốn rất gần với Phú Yên. Dù cả nhạc sĩ và nhà thơ sáng tác nên bài hát này đều đã đi xa, nhưng địa danh núi Nhạn vẫn sừng sững với núi sông.
Vị trí của Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn là một biểu tượng của Tuy Hòa, được người Chăm xây dựng vào thế kỷ 12. Nằm trên núi Nhạn – nơi có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh đẹp của cả thành phố, Tháp Nhạn đã được Bộ văn hóa – thể thao – du lịch công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia.

Địa chỉ của Tháp Nhạn
Và nhắc đến núi Nhạn, hẳn những người yêu mến mảnh đất xứ Nẫu đều không thể bỏ qua thắng cảnh danh bất hư truyền Tháp Nhạn, với những sự tích huyền bí làm lay động lòng người.
Dọc theo cuối đường Lê Trung Kiên của phường 1, chúng ta sẽ thấy một con đường dốc để lên Tháp Nhạn Phú Yên. Có hai cách để có thể di chuyển lên được đỉnh núi đó chính là đi bằng xe điện hoặc đi bộ.
Đường đi lên Tháp Nhạn
Nhưng nếu muốn bạn cảm nhận hết về nơi này thì nên chọn cách đi bộ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có thể bắt chụp được những khoảnh khắc đẹp trên đường đi.

Bắt đầu đi lên khoảng 500 mét, bên trái sẽ có lối đi bậc thang cho những người đi bộ, bạn sẽ bắt gặp những tượng hình của các vị thần thời Chăm, rất cổ kính.
Đến khi bạn lại bắt gặp một lối rẽ bên tay phải, đi thẳng vào đấy bạn sẽ thấy một dòng suối nhân tạo đang chảy xuống theo mảnh đá. Nếu không, bạn đi tiếp tục thì sẽ mau ngắm được vẻ đẹp cổ kính của Tháp Nhạn ngay thôi !

Ban đầu, bạn không chọn lối đi bậc thang thì bạn vẫn có thể đi bằng đường dốc lên núi, nhưng việc đi lên sẽ khiến bạn mệt hơn so với việc đi xuống. Ưu điểm của cách này là bạn sẽ được ngắm những hàng cây xanh mát, và hơn hết là được nhìn thấy một biểu tượng cánh én ở giữa đường đi. Thật sự rất đẹp !
Lên trên núi Nhạn có gì?
Lên đến Tháp Nhạn rồi bạn có thể vào bên trong để thắp nén nhang cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê.

Ngoài ra bạn cũng sẽ thấy có một lối bậc thang đi lên đằng sau dãy ghế đá ngồi chơi, đi theo lối đó bạn sẽ gặp thấy được tượng của Quan Âm Bồ Tát và các vị thần khác. Đứng ở nơi cao nhất để nhìn xuống sẽ rất tuyệt vời, vừa hít thở không khi trong lành, vừa có những tấm ảnh đẹp và hơn hết là thấy được Xứ Nẫu ra sao.

Nếu đứng trên cầu Hùng Vương hoặc cầu Đà Rằng, bạn cũng sẽ nhìn thấy Tháp Nhạn ra sao. Nhưng bạn vẫn nên đặt chân mình trên tháp Nhạn một lần nhé !
Tháp nhạn – Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia

Tháp Nhạn Tuy Hòa có độ cao khoảng 25m với đế tháp được xây hình vuông, thân tháp to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của con người Chăm-pa.
Nếu bạn am hiểu về địa lý và lịch sử thi trong mỗi công trình đền tháp của họ đều có Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực cầu mong vạn vật được nảy nở sinh sôi. Hầu hết các khách du lịch tìm tới tháp Nhạn bởi tò mò về vật liệu dùng để xây tháp và đó chính là gạch nung xếp khin khít nhau nhưng lại rất vững chắc.

Theo nghiên cứu, loại gạch này có khối lượng nhẹ hơn một viên gạch thông thường khoảng 1,3 lần. Kể cả độ bền chịu nén, chịu va đập cũng hơn gạch thường rất nhiều. Ngày xưa, khi chưa có xi măng, người dân Chăm-pa đã biết sử dụng chất kết dính từ cây dầu rái để vào việc xây dựng. Tuy nhiên, việc pha trộn các loại chất liệu thế nào để có được loại keo bền chắc có thể “nâng đỡ” cả một tòa tháp lớn như vậy thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được.

Nơi này là một trong những nơi mà du khách nào đặt chân đến đây cũng đều đến để check-in bởi sự cổ kính và sự tồn tại lâu năm. Bạn có thể đến đây bất cứ lúc nào trong ngày và sẽ thú vị hơn nữa nếu bạn tới thăm tháp Nhạn vào đúng dịp Tết Nguyên tiêu để thử sức đối thơ với những thi sĩ đến từ khắp mọi miền trên cả nước.
“ Về thăm núi Nhạn, sông Đà trăng đêm soi bóng Tuy Hòa thiêng liêng
Xuân Đài đẹp tựa cảnh tiên núi non sông nước sánh duyên đất trời, sánh duyên đất trời
Đá Đĩa thắng cảnh tuyệt vời thiên nhiên ban tặng cho đời vui sao
Đá Bia chót vót trời cao với bao huyền tích tự hào Phú Yên, tự hào Phú Yên…”
Các sự tích của Tháp Nhạn
Sự tích ông Trời cứu xứ Nẫu
Tháp Nhạn hay còn có các tên gọi là núi Bảo Tháp, núi Nhạn Tháp, núi Tháp, núi Tháp Dinh nằm ở phía Bắc sông Đà Rằng, có độ cao 60m so với mực nước biển, nằm ở trung tâm thành phố Tuy Hòa.
Truyền thuyết dân gian kể thuở xưa, Tuy Hòa là vùng đất đầm lầy, có nhiều thủy quái chuyên chọc phá cuộc sống dân lành. Ông Trời sai người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng, bảo vệ người dân. Khi việc đã xong, người khổng lồ vội bay về trời nên gánh nhiều đá, làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai bên rơi xuống, một bên tạo thành núi Chóp Chài, bên kia tọa trên Núi Nhạn làm thành một ngọn tháp.

Phú Yên có đỉnh Cù Mông
Có hòn tháp Nhạn, có dòng sông Ba
>>> Tham khảo: Tổng hợp những cảnh đẹp ở Phú Yên
Sự tích nàng tiên nữ Thiên Y A Na
Tương truyền rằng ngày xưa có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần, chỉ dậy cho dân chúng xứ Chăm-pa cách mưu sinh, làm những nghề thủ công như kéo sợi, dệt vải, cấy cày…

Đến một ngày kia, khi nhân dân đã ăn no mặc ấm, nàng Thiên Y A Na được hai chim hạc bay xuống đón về trời. Từ đó, người dân tưởng nhớ công ơn của bà, xây tháp Nhạn thờ phụng hàng năm vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch.
Truyền thuyết xây tháp Nhạn giữa quân Chiêm Thành và Đại Việt
Trong cuốn sử Việt Đại Nam thống nhất chí thì tháp Nhạn được xây để thờ một vị hoàng hậu của vua Chăm-pa, vùng Khauchara. Nhưng một truyền thuyết khác nói về lịch sử hình thành tháp Nhạn được nhiều sự tán đồng.
Chuyện kể rằng vào năm Mậu Dần (1578) niên hiệu Quang Hưng nguyên niên, chúa Nguyễn phái ông Lương Văn Chánh (Phù Gia) vào Phú Yên dẹp loạn quân Chiêm Thành. Thời đó, quân Việt đóng ở núi Chóp Chài, còn quân Chiêm Thành đóng quân ở Núi Nhạn. Khi hai bên chuẩn bị lâm trận thì tướng Chiêm Thành lên tiếng thách đố quân Đại Việt cùng xây Tháp, bên nào xây xong trước thì thắng trận mà không phải đấu đao kiếm.
Ông Phù Gia nghe hợp lý bèn đồng ý với lời thách đấu của quân Chiêm Thành, vì không muốn làm hao binh tổn tướng. Nhận thấy tình thế bất lợi, không thể xây xong tháp trước đối phương sở hữu địa lợi, ông Phú Gia lệnh cho quân sĩ lấy gồ, lồ ô, tre làm khung tháp, lấy giấy dán làm tường, quét màu lên y như một ngọn tháp thật.

Ở phía đối diện, quân Chiêm Thành ngày đắp gạch, đào đất để xây tháp kỳ công hơn. Khi kỳ hạn kết thúc, tướng Chiêm Thành nhìn sang thấy bên này quân Việt đã xây xong một ngọn tháp cao sừng sững, còn phía mình vẫn chưa hoàn tất. Khuất phục trước tài trí của quân Việt, quân Chiêm Thành chịu thua.
Dù đã thắng nhưng ông Phú Gia sợ việc bại lộ, bên thách tướng Chiêm Thành rằng ai đốt tháp cháy hết trước thì sẽ thắng. Tướng Chiêm Thành gật đầu đồng ý, vì nghĩ ngọn tháp bên mình thấp hơn nên sẽ bén lửa cháy dễ dàng. Họ dùng mọi nguồn củi đốt ở núi Nhạn, đốt lửa cao kín cả ngôi tháp.

Thế nhưng do tháp của người Chiêm Thành được xây bằng gạch và đất, còn tháp của Đại Việt làm từ cây và tre nên chỉ sau một canh giờ, tháp của phía Đại Việt cháy trụi, còn tháp của quân Chiêm Thành càng cháy càng vững chắc. Sau đó, tướng Phù Gia lấy thành dễ dàng, ngọn Tháp Nhạn cũng ra đời từ đó.
Nước còn, non cũng còn đây,
Tháp còn sao lại người xây không còn
Đó được cho là những tương truyền về sự xuất hiện của ngọn tháp. Còn tên gọi Tháp Nhạn được cho là bắt nguồn từ những con chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ, do đó ngọn tháp được đặt theo tên loài chim này.
Tháp Nhạn Phú Yên – thông tin tham quan chi tiết:

- Địa chỉ: Tháp Nhạn – Núi Nhạn – phường 1 – thành phố Tuy Hòa – tỉnh Phú Yên.
- Thời gian tham quan: 6h30 – 23h00 hàng ngày.
- Giá vé: 10.000đ.
- Thời gian tham quan Tháp Nhạn Phú Yên lý tưởng trong năm: Từ đầu tháng 3 – cuối tháng 9, nếu đi buổi sáng thì lên đường lúc 6h30 – 7h, còn buổi chiều thì từ 16h30 – 21h30.
- Thường vào tối thứ Bảy hàng tuần hoặc 2 ngày thứ Bảy/tháng (giữa và cuối tháng), ở Tháp Nhạn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
- Đặc biệt nếu có điều kiện, du khách nên đến Tháp Nhạn vào dịp Rằm Tháng Giêng âm lịch hàng năm, bởi đây là thời điểm Tháp Nhạn tổ chức hội thơ Nguyên Tiêu, thu hút giới văn nghệ sĩ trong cả nước.
- Đường đi tới Tháp Nhạn: Tháp Nhạn nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa từ 3-4km. Nếu đi bộ thì du khách mất tầm 20 phút, đi xe máy 10 phút và đi taxi mất 7 phút là đến ngọn tháp lịch sử này.
- Về trang phục, không nên mặc quần áo quá ngắn, mỏng vì trên tháp Nhạn thường có gió lớn.
- Dưới chân Tháp Nhạn có dịch vụ chở xe ôm lên đỉnh tháp, giá vào khoảng 10.000đ/người, nhưng vào mùa du lịch cao điểm hoặc thứ Bảy, Chủ Nhật hay có tình trạng tranh giành khách.
- Du khách lưu ý giữ gìn tài sản cá nhân khi tham quan Tháp Nhạn.
Ăn vặt dưới chân Tháp Nhạn Tuy Hòa
Sau khi tham quan xong, vào buổi chiều tối ở dưới chân núi sẽ có những quán hàng bán bánh bèo nóng – một trong những món ăn đặc trưng của Phú Yên mà bạn nên thử. Ăn xong bạn có thể đi dạo ở công viên Diên Hồng gần ngay đó.




>>> Tham khảo: Quán ăn ngon Tuy Hòa Phú Yên
Qủa thật lý tưởng đúng không nào ? Nhưng tai nghe không bằng mắt thấy đâu ! Vậy thì đừng chần chừ gì nữa mà không đến nơi này ngay đi.
Có thể nói Tháp Nhạn Phú Yên là công trình đền tháp tiêu biểu của nền văn hóa Chăm-pa còn sót lại đến ngày nay. Bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng ở đất Phú như Ghềnh đá đĩa, Đầm Ô Loan…, Tháp Nhạn là điểm đến không thể bỏ lỡ nếu bạn muốn bồi đắp thêm những kiến thức về nền văn hóa sa huỳnh, cũng như tìm tòi lối kiến trúc Chăm-pa cổ.
Để tìm hiểu thêm về các điểm đến du lịch khác và hướng dẫn chi tiết du lịch Phú Yên, bạn có thể đọc bài viết Cẩm nang kinh nghiệm du lịch Phú Yên.
Bình Luận (0)